loading

Lợi Ích Của Khám Thai

Ngày đăng 2022-04-20

Khi bạn và chồng đang nghĩ đến việc chuẩn bị có 1 em bé, thành viên mới trong tổ ấm, tốt nhất bạn và người bạn đời của mình nên đến gặp bác sĩ chuyên Sản phụ khoa để thảo luận chuẩn bị cho việc mang thai. 

Pregnant Pa. inmates continue to be shackled, despite state law - WHYY

Thông thường, việc mang thai rất an toàn. Tuy nhiên, cũng có một vài rối loạn có thể trở nên nghiêm trọng trong thai kỳ. Ngoài ra, đối với một số cặp vợ chồng, nguy cơ sinh con bị rối loạn di truyền cũng tăng lên.

Ngay sau khi một cặp vợ chồng nghĩ đến việc có con, người phụ nữ nên bắt đầu bổ sung vitamin tổng hợp có chứa folate (axit folic) mỗi ngày một lần. Lượng thấp nhất được khuyến nghị cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 400 microgam, nhưng một số chuyên gia khuyên nên dùng lượng cao hơn một chút, chẳng hạn như 600 hoặc 800 microgam. Liều lượng như vậy thường có sẵn trong các sản phẩm không kê đơn, chẳng hạn như vitamin tổng hợp. 

Folate làm giảm nguy cơ sinh con bị dị tật bẩm sinh về tủy sống hoặc não (khuyết tật ống thần kinh). Những phụ nữ đã từng sinh con bị khuyết tật ống thần kinh nên bắt đầu dùng một lượng lớn hơn nhiều so với mức khuyến nghị: 4.000 microgam ngay khi họ bắt đầu nghĩ đến việc sinh thêm con. Liều 1.000 microgam hoặc cao hơn chỉ được cung cấp khi có đơn thuốc.

Nếu hai vợ chồng quyết định cố gắng có con, bạn cùng chồng và bác sĩ sẽ thảo luận về cách để mang thai khỏe mạnh nhất có thể.

Bạn nên hỏi bác sĩ về các yếu tố có thể làm giảm sức khỏe của mình hoặc sức khỏe của thai nhi đang phát triển.

Các yếu tố hoặc tình huống cần tránh cũng có thể bao gồm:

  • Sử dụng thuốc lá hoặc rượu
  • Tiếp xúc với khói thuốc có thể gây hại cho thai nhi
  • Tiếp xúc với phân mèo (trừ khi mèo được nuôi nhốt nghiêm ngặt trong nhà và không tiếp xúc với mèo khác) có thể truyền bệnh toxoplasmosis , một bệnh nhiễm trùng do động vật nguyên sinh có thể làm tổn thương não của thai nhi.
  • Tiếp xúc với nhiệt độ nóng trong thời gian dài
  • Tiếp xúc với hóa chất hoặc bụi sơn
  • Tiếp xúc với những người bị bệnh rubella (bệnh sởi Đức) hoặc các bệnh nhiễm trùng khác có thể gây dị tật bẩm sinh
  • Tiếp xúc với những người bị bệnh thủy đậu ( trái rạ) hoặc bệnh zona (giời leo) trừ khi bạn đã làm xét nghiệm cho thấy bạn đã bị bệnh thủy đậu và miễn nhiễm với bệnh này.Bệnh thủy đậu và bệnh zona do vi rút herpes gây ra. Trong quá trình sinh nở, những vi-rút này có thể lây sang thai nhi và gây bệnh nặng. Virus này cũng có thể gây viêm phổi, đôi khi nghiêm trọng, ở phụ nữ.

Biết để đối phó với các yếu tố như vậy trước khi mang thai có thể giúp giảm nguy cơ mắc các vấn đề trong thai kỳ.

Ngoài ra, bạn có thể thảo luận về chế độ ăn uống và các mối quan tâm về xã hội, tình cảm và y tế của mình với bác sĩ.

Ý NGHĨA CỦA KHÁM THAI Ở 3 THÁNG ĐẦU CỦA THAI KỲ

Sau khi xác định có thai, bạn nên đi khám sức khỏe tổng thể, tốt nhất là thai từ 6 đến 8 tuần. Lúc này có thể ước lượng được độ dài của thai và dự đoán ngày dự sinh một cách chính xác nhất.

Bác sĩ sẽ hỏi về các vấn đề mà bạn đã và đang mắc phải, các loại thuốc bạn đã uống và thông tin chi tiết về những lần mang thai trước, bao gồm các vấn đề đã xảy ra như đái tháo đường , sẩy thai và dị tật bẩm sinh .

Và bác sĩ cũng sẽ hỏi bạn về môi trường làm việc, cũng như đời sống tinh thần khi mang thai: căng thẳng, lo âu, tính chất công việc bạn đang làm.

Khám sức khỏe đầu tiên khi mang thai rất kỹ lưỡng, bao gồm những điều sau:

  • Đo cân nặng, chiều cao và huyết áp
  • Kiểm tra mắt cá chân xem có sưng không
  • Khám phụ khoa: Trong quá trình khám này, bác sĩ lưu ý kích thước và vị trí của tử cung, xác định các tật bẩm sinh nếu có của tử cung, cổ tử cung, âm đao như tử cung đôi, vách ngăn cổ tử cung, âm đạo,
  • Xét nghiệm máu: Phân tích bao gồm số lượng tế bào máu đầy đủ
  • Xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm (chẳng hạn như giang mai, viêm gan và vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người [HIV]) và các xét nghiệm để tìm bằng chứng về khả năng miễn dịch đối với bệnh rubella và bệnh thủy đậu (trái rạ). Nhóm máu, bao gồm tình trạng yếu tố Rh (dương tính hoặc âm tính), được xác định.
  • Xét nghiệm phân tích nước tiểu tìm bất thường như nhiễm trùng tiểu kín đáo.
  • Xét nghiệm đánh giá tình trạng sức khỏe của cơ thể: chức năng đông cầm máu, cũng như chức năng gan và thận, nếu bạn đã chưa từng kiểm tra sức khỏe của mình.
  • Các xét nghiệm khác có thể được thực hiện như: Nồng độ hormone tuyến giáp có thể được đo ở một số phụ nữ (chẳng hạn như những người từng bị rối loạn tuyến giáp, tiểu đường, vô sinh hoặc sẩy thai).
  • Xét nghiệm sàng lọc bất thường về di truyền cho thai: phát hiện hội chứng Down, Edward, Patau.

Nếu bạn là người có máu âm tính với Rh, bạn sẽ được xét nghiệm để tìm kháng thể với yếu tố Rh. Hệ thống miễn dịch của người có Rh âm sẽ tạo ra các kháng thể khi máu Rh âm của cô ấy tiếp xúc với máu Rh dương — ví dụ, trong lần mang thai trước với một thai nhi có máu Rh dương. Các kháng thể (được gọi là kháng thể Rh) có thể phá hủy các tế bào máu ở thai nhi có máu Rh dương, gây ra các vấn đề nghiêm trọng (thậm chí tử vong) cho thai nhi. Nếu phát hiện sớm các kháng thể trong máu của thai phụ, bác sĩ có thể áp dụng các biện pháp để bảo vệ thai nhi. Tất cả phụ nữ có nhóm máu Rh âm tính đều được cung cấp globulin miễn dịch Rh (D), được tiêm bắp, khi thai được 28 tuần. Họ cũng được tiêm sau khi có bất kỳ sự tiếp xúc nào có thể xảy ra giữa máu của họ và máu của thai nhi — ví dụ, sau một đợt chảy máu âm đạo hoặc chọc ối và sau khi sinh. Globulin miễn dịch Rh (D) làm giảm nguy cơ tế bào máu của thai nhi bị phá hủy.

LỊCH KHÁM THAI NHƯ THẾ NÀO?

Sau lần khám đầu tiên, thai phụ nên đến gặp bác sĩ như sau:

  • Cứ sau 4 tuần cho đến khi thai được 28 tuần
  • Sau đó cứ sau 2 tuần cho đến 36 tuần
  • Sau đó mỗi tuần một lần cho đến khi chuyển dạ sanh.

Tại mỗi lần khám, người ta thường ghi lại cân nặng và huyết áp của thai phụ, đồng thời ghi kích thước tử cung để xác định thai nhi có phát triển bình thường hay không. Mắt cá chân của thai phụ được kiểm tra xem có ấn lõm không nhằm xác định tình trạng phù sớm nhất của thai phụ, thường xuất hiện khi thai trên 20 tuần tuổi.

Bác sĩ kiểm tra nhịp tim của thai nhi, thường có thể được phát hiện vào khoảng 10 đến 11 tuần bằng thiết bị cầm tay (Doppler tim thai). Khi nhịp tim đã được phát hiện, bác sĩ sẽ kiểm tra nó ở mỗi lần khám để xác định xem có bình thường hay không.

Tại mỗi lần khám, nước tiểu được xét nghiệm tầm soát đường. Đường trong nước tiểu có thể là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường. Nếu nước tiểu có chứa đường, xét nghiệm máu để kiểm tra bệnh tiểu đường được thực hiện càng sớm càng tốt. Ngay cả khi nước tiểu không chứa đường, bác sĩ thường kiểm tra tất cả thai phụ để phát hiện bệnh đái tháo đường phát triển trong thai kỳ. Xét nghiệm máu này được thực hiện vào tuần thứ 24 đến 28, mục đích đo mức đường (glucose) trong máu 1 giờ sau khi phụ nữ uống dung dịch có chứa một lượng glucose nhất định - được gọi là xét nghiệm dung nạp glucose. 

Các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường thai kỳ bao gồm:

  • Thừa cân nặng ở đầu thai kỳ hoặc tăng cân quá mức trong khi mang thai.
  • Đái tháo đường thai kỳ hoặc thai nhi lớn (nặng trên 4.500g) trong lần mang thai trước
  • Sẩy thai không rõ nguyên nhân trong lần mang thai trước
  • Người thân như mẹ hoặc chị em gái mắc bệnh đái tháo đường
  • Tiền sử có đường trong nước tiểu trong một thời gian dài
  • Hội chứng buồng trứng đa nang kháng insulin

Nếu kết quả xét nghiệm ban đầu bình thường, những phụ nữ có nguy cơ này sẽ được kiểm tra lại vào tuần thứ 24 đến 28.

Tại mỗi lần khám, nước tiểu cũng được kiểm tra để tìm protein. Protein trong nước tiểu có thể là dấu hiệu của hội chứng tiền sản giật(một bệnh lý đi kèm huyết áp cao phát triển trong thai kỳ).

Xét nghiệm máu để kiểm tra các rối loạn tuyến giáp được thực hiện nếu phụ nữ:

  • Có các triệu chứng của rối loạn tuyến giáp
  • Đến từ một khu vực xảy ra tình trạng thiếu iốt từ trung bình đến nghiêm trọng
  • Có người thân từng bị rối loạn tuyến giáp
  • Đã từng bị rối loạn tuyến giáp
  • Bị bệnh đái tháo đường loại 1
  • Đã từng gặp vấn đề về vô sinh, sinh con sớm hoặc sẩy thai
  • Đã từng xạ trị vùng đầu hoặc cổ
  • Bị béo phì nghiêm trọng
  • Trên 30 tuổi.

SIÊU ÂM THAI

Siêu âm có ý nghĩa như sau:

  • Cho thấy nhịp đập tim của thai nhi, xác nhận tính sinh tồn thai nhi , sớm nhất là khi thai được 5 tuần
  • Xác định vị trí thai trong tử cung hay lạc chỗ.
  • Xác định ngày mang thai, từ đó tính tuổi thai và dự đoán ngày sinh.
  • Xác định có một hay hai thai nhi hoặc nhiều hơn.
  • Xác định các bất thường, chẳng hạn như nhau bám sai vị trí ( nhau tiền đạo ), bất thường của dây rốn (đôi khi thiếu mạch máu), lượng nước ối ( thiểu ối hoặc đa ối ) hoặc ngôi thai bất thường ( ngang hoặc mông).
  • Xác định dị tật bẩm sinh (đôi khi).
  • Tìm dấu hiệu của hội chứng Down (và một số rối loạn khác) bằng cách đo khoảng trống chứa dịch ở phía sau cổ của thai nhi (gọi là độ mờ da gáy)
  • Đánh giá gián tiếp tình trạng sức khỏe của thai nhi, giúp xác định xem thai kỳ có tiến triển bình thường hay không.

Về cuối thai kỳ, siêu âm có thể cung cấp thông tin giúp bác sĩ quyết định có cần mổ lấy thai hay không.

Tóm lại, để chuẩn bị chào đón một thành viên mới “thiên thần nhỏ” và chuẩn bị an toàn cho cuộc sinh, các thai phụ cần biết các lợi ích của khám thai như thế nào để thực hiện tốt quá trình thăm khám cho mình và bé.

 Bài viết lược dịch và có hiệu chỉnh theo  Raul Artal-Mittelmark 

 MD, Trường Y Đại học Saint Louis, cập nhật 05/2021, theo MSD.

-----------------------------------

TƯ VẤN VÀ ĐẶT LỊCH KHÁM SẢN - PHỤ KHOA

  • Đăng ký Khám qua Hotline: 028.39.109.888
  • Đăng ký Khám qua Email: info-clinic@aih.com.vn
  • Đăng ký Khám tại Website: aihclinic.vn 
  • Hoặc đến trực tiếp địa chỉ AIH Clinic: 79 Điện Biên Phủ, P. Đa Kao, Quận 1, Hồ Chí Minh, Việt Nam

 


Bài viết liên quan

Hiển thị tất cả kết quả cho ""
ĐẶT LỊCH KHÁM