loading

Đau bụng vùng Chậu

Ngày đăng 2022-05-19

Đau vùng chậu là cảm giác khó chịu xảy ra ở vùng thấp bên dưới rốn và trên xương vệ. Đau vùng chậu không bao gồm đau bên ngoài vùng âm hộ. 

Cơn đau được coi là mãn tính nếu đau kéo dài từ 4 đến 6 tháng.

Đây là triệu chứng cũng thường xảy ra cho đa số phụ nữ.

Đau vùng chậu là một triệu chứng, có nguyên nhân từ bệnh lý cơ quan sinh dục hoặc cơ quan vùng chậu.

Cơn đau đôi khi xảy ra đột ngột và tự hết tức thời. Kiểu đau có thể dữ dội,tự khỏi hoặc âm ỉ, liên tục hoặc kết hợp nhiều kiểu. Cơn đau có thể tăng dần về cường độ, đôi khi xảy ra từng đợt. Đau vùng chậu có thể liên quan với chu kỳ kinh nguyệt, cơn đau xuất hiện hằng tháng, trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt hoặc giữa chu kỳ kinh nguyệt. 

Đau cũng có thể kèm theo sốt, buồn nôn, nôn, đổ mồ hôi, choáng váng.

Thông thường, chỉ với triệu chứng đau đơn thuần sẽ khó xác định được nguyên nhân gây ra đau vùng chậu.

Nguyên nhân do phụ khoa

Nguyên nhân do phụ khoa có thể liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt hoặc không. Các nguyên nhân phụ khoa phổ biến nhất gây đau vùng chậu bao gồm:

  • Đau bụng kinh (đau bụng kinh)
  • Đau vào giữa chu kỳ kinh nguyệt ( hội chứng Mittelschmerz), xảy ra trong thời kỳ rụng trứng
  • Lạc nội mạc tử cung (các mảnh niêm mạc tử cung rơi vãi bất thường, lạc chỗ),).
  • U xơ tử cung là khối u không phải ung thư được cấu tạo bởi các mô cơ và sợi, u xơ có thể gây đau vùng chậu nếu khối u xơ đang bị thoái hóa (thiếu máu nuôi) hoặc gây chảy máu như rong kinh, rong huyết. Hầu hết u xơ tử cung không gây đau.

 

Nhiều nguyên nhân phụ khoa khác có thể gây đau vùng chậu:

  •  Bệnh lý viêm nhiễm vùng chậu
  •  Dính vùng chậu do di chứng của tình trạng nhiễm trùng, phẫu thuật trước đó hoặc do bệnh lý lạc nội mạc tử cung.
  •  Chèn ép hoặc tổn thương các dây thần kinh vùng chậu do khối u lành hoặc ác tính.
  • Trầm cảm, đặc biệt là trầm cảm sau sinh.

Các yếu tố tâm lý, đặc biệt là căng thẳng và trầm cảm, có thể góp phần gây ra bất kỳ loại đau nào, bao gồm cả đau vùng chậu, nhưng hiếm gặp.

Nhiều phụ nữ bị đau vùng chậu mãn tính, do bị lạm dụng về thể chất, tâm lý hoặc tình dục. Các trẻ vị thành niên và thiếu nữ trẻ bị lạm dụng tình dục, có thể bị đau vùng chậu. Ở những phụ nữ và trẻ em gái như vậy, các yếu tố tâm lý có thể góp phần gây ra cơn đau.

Các nguyên nhân khác

Các nguyên nhân phổ biến khác của đau vùng chậu bao gồm:

  • Rối loạn đường tiêu hóa: Viêm dạ dày, táo bóntụ mủ (áp xe) và khối u (có thể ung thư hoặc không), chẳng hạn như ung thư đại tràng (ruột già).
  • Rối loạn tiết niệu: Nhiễm trùng (viêm bàng quang), sỏi trong đường tiết niệu(sỏi niệu quản) và viêm bàng quang không nhiễm trùng (viêm bàng quang kẽ).
  • Rối loạn cơ xương: dãn khớp chậu sau khi sinh con, chấn thương vùng chậu.
  • Các nguyên nhân phổ biến khác: Áp xe trong khung chậu và phình động mạch chủ bụng (một chỗ phình ở thành của động mạch chủ)

Đánh giá đau vùng chậu

Khi người phụ nữ bị đau cấp, đột ngột, dữ dội ở vùng bụng dưới, bác sĩ phải nhanh chóng quyết định xem có cần phải phẫu thuật khẩn cấp hay không. Các nguyên nhân thường phải phẫu thuật khẩn bao gồm

  • Viêm ruột thừa
  • Thai ngoài tử cung bị vỡ (  thai lạc chỗ - không ở vị trí bình thường trong tử cung)
  • Xoắn buồng trứng ( xoắn phần phụ )
  • Áp xe vỡ trong khung chậu
  • Phình động mạch chủ bụng 

Dấu hiệu cảnh báo

Ở phụ nữ bị đau vùng chậu, có một số triệu chứng đi kèm đáng lo ngại:

  • Chóng mặt, mất ý thức đột ngột trong thời gian ngắn (ngất xỉu) hoặc huyết áp tụt nguy hiểm ( choáng).
  • Chảy máu âm đạo sau khi mãn kinh.
  • Sốt hoặc ớn lạnh.
  • Đau đột ngột, dữ dội, đặc biệt kèm theo buồn nôn, nôn, đổ mồ hôi nhiều hoặc kích động.

Khi nào đến gặp bác sĩ?

Phụ nữ có hầu hết các dấu hiệu cảnh báo nên đi khám bác sĩ ngay lập tức. Với dấu hiệu cảnh báo duy nhất là chảy máu âm đạo sau khi mãn kinh, bạn có thể đến gặp bác sĩ trong vòng một tuần hoặc đặt hẹn khám..

Nếu bạn không có dấu hiệu báo trước mà cơn đau mới liên tục và ngày càng nặng hơn thì nên đến gặp bác sĩ ngay. Nếu bạn có cơn đau cấp, không liên tục và không nặng hơn, bạn có thể hẹn lịch thăm khám, việc trì hoãn vài ngày thường không có hại.

Đau vùng chậu tái phát hoặc mãn tính nên được bác sĩ đánh giá tại một số thời điểm. 

Bác sĩ làm gì?

Bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng và bệnh sử. Trong quá trình khám bệnh, để tìm nguyên nhân bác sĩ sẽ chỉ định một vài xét nghiệm. Sau khi thăm khám, các nguyên nhân cần phẫu thuật khẩn sẽ được loại trừ.

Các xét nghiệm

Các xét nghiệm được thực hiện thường qui:

  • Phân tích nước tiểu là một xét nghiệm nước tiểu đơn giản, nhanh chóng, có thể loại trừ nhiều nguyên nhân phổ biến gây đau vùng chậu như nhiễm trùng bàng quang, thận.
  • Xét nghiệm nước tiểu để xác định có thai hay không?
  • Nếu đã xác định có thai, thì siêu âm sẽ được thực hiện để loại trừ thai ngoài tử cung.  Siêu âm phụ khoa được thực hiện phổ biến giúp cho bác sĩ dễ dàng tìm nguyên nhân.
  • Nếu kết quả siêu âm không rõ ràng, các xét nghiệm khác, chẳng hạn như các xét nghiệm máu hoặc nội soi ổ bụng, được thực hiện để loại trừ thai ngoài tử cung. 

Các xét nghiệm phụ thuộc vào nguyên nhân nào được nghi ngờ, cũng có thể gồm:

  • Kiểm tra và cấy mẫu nước tiểu hoặc dịch tiết ra để kiểm tra các bệnh nhiễm trùng có thể gây đau vùng chậu
  • Siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) bụng và xương chậu để kiểm tra khối u
  • Nếu các xét nghiệm khác không xác định được nguyên nhân, nội soi ổ bụng

Những điều đáng chú ý ở phụ nữ lớn tuổi

Ở phụ nữ lớn tuổi, nguyên nhân phổ biến của đau vùng chậu có thể khác nhau, đặc biệt là sau khi mãn kinh.

Các nguyên nhân phổ biến ở phụ nữ lớn tuổi bao gồm

  • Các vấn đề về bàng quang, bao gồm cả nhiễm trùng viêm bàng quang
  • Táo bón
  • Sa cơ quan vùng chậu 
  • Bệnh lý ung thư cơ quan sinh dục,  như ung thư nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư tai vòi (hiếm).

Sau khi mãn kinh, nồng độ estrogen giảm, làm suy yếu nhiều mô, bao gồm xương, cơ (bao gồm cả cơ bàng quang) và các mô xung quanh âm đạo và niệu đạo. Hậu quả, gãy xương và nhiễm trùng bàng quang trở nên phổ biến hơn.

Ngoài ra, sự suy yếu này có thể góp phần làm sa cơ quan vùng chậu, có thể gây ra các triệu chứng khi phụ nữ lớn tuổi.

Phụ nữ lớn tuổi có khả năng dùng nhiều loại thuốc điều trị các bệnh nội khoa, có thể gây táo bón.

Ở phụ nữ lớn tuổi, niêm mạc âm đạo trở nên mỏng và khô sau khi mãn kinh, do sự thiếu hụt nội tiết estrogen. Tình trạng này (được gọi là viêm teo âm đạo), có thể làm cho việc quan hệ tình dục trở nên khó chịu và đau, phụ nữ có thể cảm thấy cơn đau này giống như đau vùng chậu.

Để giải quyết sự thiếu hụt estrogen, bác sĩ khám và quyết định  điều trị nội tiết thay thế.

Phụ nữ lớn tuổi nên đến khám bác sĩ kịp thời nếu có các triệu chứng như:

  • Giảm cân đột ngột.
  • Đột nhiên bắt đầu khó tiêu hóa, chán ăn.
  • Có sự thay đổi đột ngột về nhu động ruột; táo bón hoặc tiêu phân lỏng.

để chắc chắn rằng không phải là ung thư buồng trứng hoặc ung thư nội mạc tử cung.

Đau vùng chậu có thể tóm lược như sau:

  • Nhiều phụ nữ bị đau vùng chậu.
  • Nhiều nguyên nhân do cơ quan sinh dục hoặc các cơ quan lân cận khác có thể gây ra đau vùng chậu.
  • Bác sĩ có thể xác định nguyên nhân dựa trên tính chất cơn đau,  liên quan với chu kỳ kinh nguyệt và kết quả khám lâm sàng.
  • Nếu phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, việc thử thai luôn được thực hiện.
  • Xét nghiệm nước tiểu và các xét nghiệm khác, như xét nghiệm máu và siêu âm vùng chậu, được thực hiện để xác định chẩn đoán.
  • Đau bụng kinh là nguyên nhân phổ biến của đau vùng chậu nhưng chỉ được chẩn đoán sau khi đã loại trừ các nguyên nhân khác.

 (Nguồn:MSD)

-------------------------------------------

TƯ VẤN VÀ ĐẶT LỊCH KHÁM SẢN - PHỤ KHOA

  • Đăng ký Khám qua Hotline: 028.39.109.888
  • Đăng ký Khám qua Email: info-clinic@aih.com.vn
  • Đăng ký Khám tại Website: aihclinic.vn 
  • Hoặc đến trực tiếp địa chỉ AIH Clinic: 79 Điện Biên Phủ, P. Đa Kao, Quận 1, Hồ Chí Minh, Việt Nam

 


Bài viết liên quan

Hiển thị tất cả kết quả cho ""
ĐẶT LỊCH KHÁM